Theo số liệu thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 80% dân số đã từng trải qua ít nhất một lần đau lưng trong đời. Đau lưng không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống mà còn có thể là dấu hiệu của nhiều vấn đề nghiêm trọng liên quan đến cột sống và sức khỏe tổng thể. Trong bài viết này, VPRI sẽ chia sẻ về nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị phù hợp cho bệnh đau lưng.
Đau lưng là gì?
Đau lưng là 1 bệnh lý phổ biến khiến cho người bệnh gặp nhiều trở ngại trong công việc và sinh hoạt. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh sẽ ảnh hưởng đến hệ cơ xương khớp và cột sống.
Nguyên nhân gây đau lưng
Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến tình trạng này, từ các vấn đề cơ học, bệnh lý cho đến thói quen sinh hoạt không tốt. Hiểu rõ nguyên nhân bị đau lưng giúp bạn có biện pháp điều trị và phòng ngừa hiệu quả hơn.
Nguyên nhân cơ học
Nguyên nhân cơ học thường liên quan đến các vấn đề về cấu trúc của cột sống và các cơ xung quanh. Một số nguyên nhân phổ biến bao gồm:
- Chấn thương hoặc căng thẳng cơ bắp: Việc nâng vật nặng sai tư thế, tập luyện thể thao quá mức, hoặc tai nạn có thể gây chấn thương hoặc căng thẳng lên các cơ và dây chằng ở lưng, dẫn đến đau lưng.
- Đĩa đệm bị thoát vị: Đĩa đệm nằm giữa các đốt sống, giúp giảm sốc và tạo sự linh hoạt cho cột sống. Khi đĩa đệm bị thoát vị, nhân nhầy trong đĩa đệm thoát ra ngoài và chèn ép lên các dây thần kinh, gây đau lưng, thậm chí là đau lan xuống chân.
- Thoái hóa đốt sống: Theo thời gian, các đốt sống và đĩa đệm trong cột sống có thể bị thoái hóa, gây ra hiện tượng cứng khớp, đau nhức, đặc biệt là khi di chuyển hoặc thay đổi tư thế.
Nguyên nhân bệnh lý
Một số bệnh lý có thể là nguyên nhân gây ra đau lưng, đặc biệt là các bệnh liên quan đến cột sống và hệ thống thần kinh như viêm khớp, loãng xương, đau thần kinh tọa… Những bệnh lý này có thể gây ảnh hưởng không tốt đến sinh hoạt và cuộc sống.
Nguyên nhân khác
Ngoài các nguyên nhân cơ học và bệnh lý, một số yếu tố khác trong cuộc sống hàng ngày cũng có thể dẫn đến đau lưng, chẳng hạn như tư thế làm việc sai (ngồi quá lâu, đứng lâu hoặc làm việc với tư thế không đúng), thiếu hoạt động thể chất khiến cơ bắp và các khớp trở nên yếu và dễ bị tổn thương, hoặc tình trạng mang thai ở phụ nữ, khi trọng lượng của thai nhi gây áp lực lên cột sống và sự thay đổi hormone làm tăng nguy cơ bị đau lưng.
Triệu chứng đau lưng
Đau lưng có thể từ phần lưng trên đến phần mông trên, cường độ đau có thể từ nhẹ đến nặng. Trong 1 số trường hợp cơn đau còn lan tới mông, chân hoặc cánh tay, tình trạng này phụ thuộc vào dây thần kinh bị ảnh hưởng. Với cơn đau lưng dữ dội có thể cản trở khả năng vận động và các chức năng hàng ngày.
Các bệnh lý gây đau lưng và cách điều trị
Viêm cột sống dính khớp
Viêm cột sống dính khớp là 1 loại viêm mãn tính ở cột sống và các khớp xương cùng chậu với biểu hiện đặc trưng là sự vôi hóa. Khi bệnh đã trở nặng, bệnh nhân có thể mất khả năng di động cột sống và cuối cùng là tư thế bất thường (gập người về trước). Viêm cột sống dính khớp có thành phần di truyền rất mạnh (hơn 90% có kiểu gen HLA-B27) và phổ biến ở nam giới hơn nữ giới.
Viêm khớp
Viêm khớp là bệnh lý chỉ tình trạng viêm hoặc đau ở khớp. Khi mắc phải bệnh này, người bệnh sẽ bị sưng, đau 1 hoặc nhiều khớp trên cơ thể dẫn đến khó khăn trong vận động. Ngoài ra, các triệu chứng khác có thể bao gồm sưng, nóng, đỏ tại khu vực khớp, cùng với sự cứng cơ xung quanh khớp.
Thoát vị đĩa đệm cổ
Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ xảy ra khi nhân nhầy của đĩa đệm cột sống cổ bị đẩy ra khỏi bao xơ, dẫn đến việc chèn ép các rễ thần kinh hoặc tủy sống cổ. Cột sống cổ là “cầu nối” giữa đầu và xương sống, bao gồm bảy đốt sống (C1 đến C7) được kết nối bởi đĩa đệm. Dù thoát vị đĩa đệm thường xảy ra ở vùng cột sống cổ C5-C6, bất kỳ đốt sống cổ nào cũng có thể bị tổn thương.
Đau xương cụt
Đau xương cụt là cơn đau xảy ra ở khu vực xung quanh và bên trong xương cụt, vị trí nằm ở dưới cùng của cột sống và phía trên khe mông. Cơn đau thường được miêu tả là âm ỉ hoặc nhói, kèm theo cảm giác như bị co thắt cơ. Cơn đau có thể phát sinh do chấn thương trực tiếp vào xương cụt hoặc từ các cơ và dây chằng xung quanh.
Thoái hóa khớp
Bệnh thoái hóa khớp, còn được gọi là viêm xương khớp, là 1 tình trạng phổ biến ảnh hưởng đến hàng triệu người trên thế giới. Đây là dạng viêm khớp phổ biến nhất và xảy ra khi sụn bảo vệ giữa các khớp dần bị phá hủy. Thoái hóa khớp dẫn đến đau, cứng khớp và giảm khả năng vận động.
Đau khớp
Khớp đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển động của cột sống và các chi, đồng thời chúng cũng giúp giảm bớt áp lực và trọng lượng của cơ thể. Đau khớp có thể chỉ ảnh hưởng đến một khớp đơn lẻ hoặc lan ra nhiều khớp khác nhau. Vị trí và đặc điểm của cơn đau sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân cụ thể gây ra bệnh lý.
Thoát vị đĩa đệm thắt lưng
Thoát vị đĩa đệm thắt lưng xảy ra khi bao xơ bên ngoài của đĩa đệm thắt lưng bị xơ hóa, dẫn đến rách hoặc đứt. Tình trạng này tạo ra một khe hở cho nhân nhầy của đĩa đệm thoát ra, gây áp lực lên các rễ thần kinh và màng tủy, từ đó gây ra cơn đau ở vùng thắt lưng.
Hẹp ống sống thắt lưng
Hẹp ống sống thắt lưng là tình trạng ống sống thắt lưng bị thu hẹp, dẫn đến việc chèn ép các rễ thần kinh và chùm đuôi ngựa trước khi chúng ra khỏi lỗ. Tình trạng này gây ra đau lưng khi thay đổi tư thế, cùng với các triệu chứng chèn ép rễ thần kinh ở foramina và cơn đau ở chân dưới khi đi bộ hoặc khi mang vác vật nặng.
Rối loạn cơ đa khe
Cơ đa khe là cơ ổn định chính ở vùng thắt lưng. Một chấn thương nhỏ ở lưng cũng có thể gây ra suy giảm khả năng kiểm soát của cơ đa khe, từ đó làm giảm độ ổn định chức năng cột sống. Việc phục hồi khả năng kiểm soát thần kinh cơ đa khe có thể giúp ổn định cột sống, từ đó cải thiện chức năng và giảm đau.
Co thắt cơ
Co thắt cơ lưng là bệnh lý khá phổ biến. Bệnh có thể là những cơn đau nhói nhỏ hoặc những cơn đau dữ dội, đau nhói và co thắt ở phần lưng. Các cơ ở lưng trên, giữa và dưới được chia thành ba loại: cơ sâu, cơ nông và cơ trung gian.
Hội chứng thất bại sau phẫu thuật (FBSS)
Hội chứng thất bại sau phẫu thuật (FBSS) là tình trạng cơn đau thắt lưng hoặc bệnh lý rễ thần kinh không cải thiện sau khi phẫu thuật. Những bệnh nhân này sau phẫu thuật vẫn thường dùng thuốc giảm đau và không thể hoạt động bình thường.
Đau rễ thần kinh
Đau rễ thần kinh là tình trạng rối loạn của một hoặc nhiều rễ thần kinh cột sống, dẫn đến đau, tê, ngứa hoặc yếu cơ. Bệnh này xuất phát từ các vấn đề liên quan đến cột sống như lệch đĩa đệm, thoát vị đĩa đệm, gai cột sống,… có thể dẫn đến tình trạng tê liệt, rối loạn cảm giác theo vùng thần kinh chi phối. Trong đó, nhóm bệnh phổ biến nhất là đau thần kinh tọa, một bệnh tiến triển âm thầm trong nhiều năm, dần dần gây ra những cơn đau nghiêm trọng ở vùng thắt lưng và lan xuống hai chân.
Đau khớp cùng chậu
Đau khớp cùng chậu là một nguyên nhân phổ biến gây đau vùng thắt lưng và mông. Khớp cùng chậu nối xương cùng (xương hình tam giác ở đáy cột sống) với xương chậu (phần của khung xương chậu). Khi khớp này bị viêm hoặc kích thích, nó có thể dẫn đến khó chịu và giảm khả năng vận động.
Gãy xẹp đốt sống
Gãy xẹp đốt sống, còn được gọi là gãy nén đốt sống, là tình trạng khi các đốt sống trong cột sống bị nén lại, dẫn đến đau dữ dội, biến dạng và giảm chiều cao đốt sống. Mặc dù gãy nén đốt sống có thể xảy ra ở bất kỳ phần nào của cột sống, nhưng nó thường gặp nhất ở vùng lưng dưới hoặc các đốt sống ngực.
Phương pháp điều trị
Điều trị không dùng thuốc
Các phương pháp không dùng thuốc thường là lựa chọn đầu tiên trong điều trị đau lưng, đặc biệt là khi cơn đau không quá nghiêm trọng hoặc không có nguyên nhân bệnh lý cần can thiệp y tế.
- Vật lý trị liệu: Vật lý trị liệu là một phương pháp phổ biến và hiệu quả trong việc giảm đau lưng. Các bài tập kéo giãn và tăng cường cơ bắp lưng giúp cải thiện khả năng vận động và giảm áp lực lên cột sống. Chuyên gia vật lý trị liệu sẽ hướng dẫn các bài tập phù hợp với tình trạng cụ thể của từng bệnh nhân.
- Massage: Massage có thể giúp giảm căng thẳng cơ bắp và cải thiện tuần hoàn máu, từ đó giảm đau và tăng cường sự linh hoạt của các cơ và khớp. Đây là một phương pháp thư giãn hữu hiệu, đặc biệt khi đau lưng do căng cơ hoặc stress.
Điều trị dùng thuốc
Trong trường hợp đau lưng nghiêm trọng, việc sử dụng thuốc có thể cần thiết để kiểm soát triệu chứng. Tùy thuộc vào tình trạng và mức độ cơn đau, bác sĩ có thể khuyến nghị bệnh nhân sử dụng thuốc phù hợp như:
- Thuốc giảm đau không kê đơn
- Thuốc giảm đau tại chỗ
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs)
- Thuốc giãn cơ
- Thuốc giảm đau Opioid
Điều trị phẫu thuật
Phẫu thuật thường chỉ được xem xét khi các phương pháp điều trị khác không mang lại hiệu quả hoặc khi có tình trạng nghiêm trọng.
- Khi nào cần phẫu thuật? Phẫu thuật có thể cần thiết khi đau lưng do các nguyên nhân như thoát vị đĩa đệm nghiêm trọng, hẹp ống sống hoặc các bệnh lý khác gây chèn ép nghiêm trọng lên rễ thần kinh hoặc tủy sống. Nếu cơn đau kéo dài và gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống mà không có phương pháp điều trị nào khác có tác dụng, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật.
- Các loại phẫu thuật phổ biến: Có nhiều loại phẫu thuật để điều trị đau lưng, bao gồm phẫu thuật thoát vị đĩa đệm, chỉnh hình cột sống và phẫu thuật giải phóng chèn ép thần kinh…
Biện pháp phòng tránh đau lưng
Để phòng tránh và giữ cho lưng luôn khỏe mạnh, chúng ta cần duy trì sức khỏe thể chất và lối sống lành mạnh:
- Tập thể dục. Các hoạt động aerobic nhẹ nhàng, không gây căng thẳng hay sốc cho lưng, như đi bộ, đạp xe và bơi lội, có thể giúp tăng cường sức mạnh và sức bền cho lưng, giúp các cơ hoạt động hiệu quả hơn. Hãy trao đổi với bác sĩ về các hoạt động phù hợp.
- Chế độ ăn uống: Chế độ ăn uống lành mạnh. Hãy thường xuyên bổ sung những loại thực phẩm giàu canxi và vitamin D để tăng cường sức khỏe xương
- Duy trì cân nặng hợp lý. Thừa cân có thể gây áp lực cho các cơ gây đau lưng.
- Ngồi đúng tư thế, không bê hoặc mang vác vật nặng gây ảnh hưởng cột sống
Lời kết
Đau lưng là một vấn đề phổ biến với nhiều nguyên nhân khác nhau, từ cơ học, bệnh lý đến thói quen sinh hoạt. Việc hiểu rõ các nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết và các phương pháp điều trị sẽ giúp bạn kiểm soát cơn đau hiệu quả hơn.
Cuối cùng, để chăm sóc và bảo vệ lưng tốt nhất, hãy duy trì thói quen sinh hoạt lành mạnh, thực hiện các bài tập nhẹ nhàng và đều đặn, đồng thời chú ý đến tư thế làm việc hàng ngày. Việc phòng ngừa luôn tốt hơn chữa trị, hãy chăm sóc lưng của bạn ngay từ bây giờ để tránh những cơn đau không mong muốn trong tương lai.
Với đội ngũ chuyên gia có chuyên môn cao, cùng việc áp dụng nhiều kỹ thuật tiên tiến trong điều trị, Viện Nghiên cứu Giảm đau Việt Nam đã thành công trong việc nghiên cứu và đưa ra hướng điều trị cho hàng triệu ca bệnh lý cột sống – cơ xương khớp.
Để được tư vấn các bệnh lý cột sống và cơ xương khớp tại Viện Nghiên cứu Giảm đau Việt Nam, quý khách vui lòng liên hệ theo số hotline: 0913.095.115 hoặc liên hệ trực tiếp TẠI ĐÂY
Tư vấn chuyên môn bài viết
THS. BS ĐINH TRỌNG TUYÊN