Thoát vị đĩa đệm thắt lưng: Bệnh lý đang có dấu hiệu trẻ hóa

Theo số liệu từ Bộ Y tế, tỷ lệ mắc thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng tại Việt Nam hiện nay khá cao, với khoảng 30% dân số mắc bệnh và đang có xu hướng trẻ hóa, phổ biến ở độ tuổi từ 20 đến 55. Việc nhận diện sớm các triệu chứng thoát vị đĩa đệm và điều trị kịp thời là rất quan trọng để tránh những biến chứng nghiêm trọng.

Thoát vị đĩa đệm thắt lưng

Thoát vị đĩa đệm thắt lưng là gì?

Thoát vị đĩa đệm thắt lưng là tình trạng đĩa đệm ở vùng thắt lưng bị lệch ra khỏi vị trí bình thường, gây chèn ép lên dây thần kinh và tủy sống. Đây là nguyên nhân phổ biến gây đau lưng, đau lan xuống chân và có thể dẫn đến tình trạng tê liệt nếu không được điều trị kịp thời. 

Thoát vị đĩa đệm thắt lưng là gì

Triệu chứng thoát vị đĩa đệm thắt lưng

Đau cột sống thắt lưng

Đây là triệu chứng phổ biến ở hầu hết các trường hợp thoát vị đĩa đệm, nhưng mức độ đau khác nhau tùy từng người. Cơn đau có thể rất dữ dội kèm theo co cứng cơ cạnh cột sống, nhưng cũng có thể âm ỉ, gia tăng khi vận động mạnh hoặc thay đổi tư thế.

Đau lan xuống chân theo kiểu rễ thần kinh

Khi khối thoát vị chèn ép lên rễ thần kinh, cơn đau sẽ lan dọc theo đường đi của rễ thần kinh bị ảnh hưởng. Thường gặp nhất là ở các đĩa đệm L45 và L5S1, với rễ thần kinh L4, L5 và S1 bị chèn ép. Cơn đau có thể xuất hiện ở một hoặc cả hai chân, bắt đầu từ đau lưng rồi lan theo rễ thần kinh qua mông, đùi, gối và xuống cẳng chân.

Tê bì chân

Tê bì chân là triệu chứng phổ biến đi kèm với đau chân. Triệu chứng này có thể xuất hiện dưới dạng cảm giác buốt nhẹ hoặc tê nhức ở chân. Khi tình trạng chèn ép kéo dài, cảm giác tê bì có xu hướng tăng lên, gây khó chịu và ảnh hưởng đến khả năng di chuyển

Tê bì tay chân

Teo cơ

Teo cơ là dấu hiệu cho thấy bệnh đã tiến triển đến giai đoạn muộn, khi khối thoát vị lớn dần và gây chèn ép mạnh mẽ lên rễ thần kinh ở cột sống thắt lưng. Khi xuất hiện dấu hiệu teo cơ, bệnh nhân cần thăm khám ngay vì đây là triệu chứng cảnh báo bệnh nặng, và phẫu thuật có thể là lựa chọn ưu tiên để giải phóng rễ thần kinh và ngăn chặn biến chứng.

Yếu chân 

Đây cũng là triệu chứng ở giai đoạn muộn của bệnh. Khi rễ thần kinh bị chèn ép nặng hoặc lâu dài, có thể gây tổn thương và làm giảm hoặc mất chức năng vận động, dẫn đến liệt cơ ở vùng bị chi phối. Triệu chứng thường gặp là giảm hoặc mất khả năng gấp, duỗi cổ chân và hạn chế nâng đùi khi thoát vị ở vị trí cao.

Rối loạn cơ tròn

Rối loạn cơ tròn là triệu chứng ít gặp nhưng thường xảy ra khi khối thoát vị lớn hoặc ở các vị trí cao như L23, L34. Biểu hiện của triệu chứng này là rối loạn tiểu tiện, đại tiện, hoặc mất kiểm soát trong các hoạt động của cơ tròn.

Nguyên nhân thoát vị đĩa đệm thắt lưng

Nguyên nhân gây thoát vị đĩa đệm thắt lưng có thể xuất phát từ nhiều yếu tố khác nhau

  • Tuổi tác: Theo thời gian, vòng sụn ngoài trở nên xơ hóa, nhân nhầy trong đĩa đệm khô lại, mất tính đàn hồi và có thể thoát ra, chèn ép lên dây thần kinh trong ống sống.
  • Bệnh lý bẩm sinh: Các vấn đề bẩm sinh ở cột sống như gù, vẹo, gai cột sống, hoặc yếu tố di truyền từ cha mẹ với đặc điểm cột sống yếu cũng là nguyên nhân gây thoát vị đĩa đệm thắt lưng.
  • Cân nặng: Tăng cân, béo phì làm tăng áp lực lên các đĩa đệm và làm tình trạng bệnh nặng hơn.
  • Chấn thương: Những chấn thương cột sống do tai nạn hoặc lao động nặng, với tác động lực đột ngột, có thể làm rách hoặc lệch đĩa đệm.
  • Hoạt động sai tư thế: Việc khuân vác vật nặng, ngồi sai tư thế trong thời gian dài, tập thể dục hoặc thể thao không đúng cách cũng có thể gây tổn thương cột sống, tăng nguy cơ thoát vị đĩa đệm.

Phương pháp chẩn đoán

Một số phương pháp chẩn đoán cận lâm sàng được sử dụng phổ biến bao gồm:

  • Chụp X-quang cột sống thắt lưng: Đây là phương pháp được áp dụng cho tất cả bệnh nhân nghi ngờ thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng. Hình ảnh X-quang cung cấp thông tin tổng quát về cấu trúc xương của các đốt sống, mức độ thoái hóa, đồng thời phát hiện các tổn thương như trượt đốt sống, gãy eo, xẹp đốt sống, mất xương, và u thân đốt sống. Ngoài ra, chụp X-quang khung chậu giúp loại trừ các bệnh lý liên quan đến khớp háng và khung chậu.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI) thắt lưng: Đây là phương pháp chẩn đoán chuẩn mực cho thoát vị đĩa đệm cột sống. MRI giúp bác sĩ phát hiện chi tiết mức độ thoát vị, tình trạng chèn ép rễ thần kinh và các tổn thương liên quan như thoái hóa đĩa đệm, u trong ống sống, hoặc nang dịch.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT) cột sống thắt lưng: Phương pháp này ít được sử dụng hơn và chỉ được chỉ định khi cần đánh giá chi tiết về tình trạng xương hoặc nghi ngờ thoát vị có canxi hóa.

Chẩn đoán hình ảnh

Phương pháp điều trị thoát vị đĩa đệm thắt lưng

Điều trị nội khoa

Là phương pháp phù hợp cho hầu hết các trường hợp thoát vị mới, với mức độ chèn ép thần kinh nhẹ và đau đớn chưa nghiêm trọng. Phác đồ điều trị bao gồm nghỉ ngơi, sử dụng đai lưng hỗ trợ, cùng với thuốc giảm đau, chống viêm và giãn cơ để hỗ trợ cột sống.

Phong bế rễ thần kinh

Phong bế rễ thần kinh vừa giúp chẩn đoán vừa điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng. Khi các phương pháp như thuốc, châm cứu, và kéo dãn không cải thiện tình trạng, bác sĩ có thể chọn phong bế rễ thần kinh. Dưới sự hướng dẫn của máy X-quang (C-arm), bác sĩ tiêm thuốc giảm đau và chống viêm vào vị trí thoát vị để giảm cảm giác chèn ép và đau. Phương pháp này đơn giản, nhanh chóng, chi phí thấp và bệnh nhân có thể ra viện trong ngày.

Phẫu thuật

Phẫu thuật là phương pháp điều trị triệt để nhằm loại bỏ nguyên nhân gây bệnh, tức là khối thoát vị chèn ép. Khoảng 10% bệnh nhân thoát vị đĩa đệm có chỉ định phẫu thuật. 

Hiện nay, với sự phát triển của y học và kỹ thuật, có nhiều phương pháp phẫu thuật tiên tiến như nội soi, phẫu thuật ít xâm lấn, tạo hình nhân nhầy bằng sóng cao tần, và mổ mở để lấy thoát vị và đặt dụng cụ silicon. Kết quả của các phương pháp phẫu thuật này thường rất tích cực.

Viện Nghiên cứu Giảm đau VPRI

Cách phòng tránh thoát vị đĩa đệm thắt lưng

Điều trị và phòng ngừa thoát vị đĩa đệm thắt lưng đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe cột sống và chất lượng cuộc sống. Để ngăn ngừa bệnh tái phát, người bệnh nên duy trì lối sống lành mạnh

  • Tập thể dục đều đặn, đặc biệt là các bài tập cho lưng và cột sống.
  • Giữ tư thế đúng khi sinh hoạt và làm việc.
  • Hạn chế mang vác nặng và các hoạt động có nguy cơ cao gây chấn thương lưng.
  • Duy trì cân nặng hợp lý.

Phòng tránh thoát vị đĩa đệm thắt lưng

Theo dõi sức khỏe định kỳ và thực hiện các biện pháp phòng ngừa sẽ giúp bảo vệ cột sống khỏi các vấn đề nghiêm trọng và đảm bảo một cuộc sống.

Với đội ngũ chuyên gia có chuyên môn cao, cùng việc áp dụng nhiều kỹ thuật tiên tiến trong điều trị, Viện Nghiên cứu Giảm đau Việt Nam đã thành công trong việc nghiên cứu và đưa ra hướng điều trị cho hàng triệu ca bệnh lý cột sống – cơ xương khớp.

Để được tư vấn các bệnh lý cột sống và cơ xương khớp tại Viện Nghiên cứu Giảm đau Việt Nam, quý khách vui lòng liên hệ theo số hotline: 0913.095.115 hoặc liên hệ trực tiếp TẠI ĐÂY

Bác sĩ CKII Vũ Văn Cường

Tư vấn chuyên môn bài viết

BS CKII VŨ VĂN CƯỜNG