Viêm khớp dạng thấp thường bắt đầu phát triển ở độ tuổi 30 đến 60. Đây là một bệnh tự miễn mạn tính, khiến hệ thống miễn dịch tấn công chính các khớp của cơ thể, dẫn đến viêm và hủy hoại sụn.
Viêm khớp dạng thấp là gì?
Viêm khớp dạng thấp (RA) là một bệnh tự miễn mãn tính, xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công nhầm các mô khỏe mạnh trong các khớp. Điều này làm cho bệnh viêm khớp dạng thấp khác biệt so với các loại viêm khớp khác, vì nó ảnh hưởng đến các khớp trên cả hai bên cơ thể. Các triệu chứng phổ biến của bệnh bao gồm đau và viêm ở ngón tay, bàn tay, cổ tay, đầu gối, mắt cá chân, bàn chân và ngón chân.
Tình trạng viêm không được kiểm soát sẽ phá hủy sụn – vốn là “bộ giảm sốc” trong các khớp. Lâu dần, điều này có thể làm biến dạng khớp, và thậm chí gây xói mòn xương. Trong một số trường hợp, các khớp có thể bị dính lại để cơ thể tự bảo vệ trước sự kích thích liên tục.
Bệnh không chỉ giới hạn ở các khớp, mà còn có thể ảnh hưởng đến các bộ phận khác như da, mắt, miệng, phổi và tim. Chính vì vậy, việc điều trị sớm và kịp thời là cần thiết để ngăn chặn các biến chứng nghiêm trọng.
Triệu chứng
Biểu hiện của viêm khớp dạng thấp có sự khác biệt ở mỗi người. Ở một số người, các triệu chứng khớp phát triển dần trong nhiều năm, trong khi ở những người khác, triệu chứng của bệnh tiến triển rất nhanh chóng. Nhiều người trải qua các giai đoạn bệnh bùng phát với triệu chứng rõ rệt, xen kẽ với các khoảng thời gian thuyên giảm khi triệu chứng tạm thời biến mất.
Những dấu hiệu của bệnh viêm khớp dạng thấp gồm có:
- Đau, sưng, cứng và nhạy cảm ở nhiều khớp.
- Khớp bị co cứng, nhất là vào buổi sáng hoặc sau khi ngồi lâu.
- Đau và cứng ở cùng các khớp trên cả hai bên cơ thể.
- Mệt mỏi nghiêm trọng.
- Suy nhược.
- Sốt.
Nguyên nhân của viêm khớp dạng thấp
Nguyên nhân cụ thể gây ra viêm khớp dạng thấp vẫn chưa được xác định. Các nhà nghiên cứu cho rằng nguyên nhân gây ra bệnh là do sự kết hợp của yếu tố di truyền, hormone và các yếu tố môi trường.
Thông thường, hệ thống miễn dịch bảo vệ cơ thể bạn khỏi bệnh tật. Với bệnh viêm khớp dạng thấp, có một yếu tố nào đó kích hoạt hệ thống miễn dịch tấn công các khớp của bạn. Nhiễm trùng, hút thuốc hoặc căng thẳng về thể chất hoặc cảm xúc có thể là nguyên nhân gây ra bệnh.
Viêm khớp dạng thấp có nguy hiểm không?
Viêm khớp dạng thấp là một bệnh lý nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách. Tình trạng viêm kéo dài có thể gây tổn thương nghiêm trọng đến sụn, xương và các khớp, dẫn đến biến dạng và mất chức năng vận động.
Ngoài ra, viêm khớp dạng thấp không chỉ ảnh hưởng đến khớp mà còn có thể tấn công các cơ quan khác như tim, phổi, mắt và da. Điều này làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, suy giảm chức năng phổi và các vấn đề về thị lực.
Loãng xương
Viêm khớp dạng thấp và các loại thuốc như corticosteroids có thể làm giảm mật độ xương, dẫn đến loãng xương. Tình trạng này khiến xương trở nên yếu và dễ gãy hơn, đặc biệt là ở phụ nữ sau mãn kinh.
U hạt viêm khớp
Các khối u cứng có thể xuất hiện quanh các điểm chịu áp lực như khuỷu tay, nhưng cũng có thể hình thành ở các bộ phận khác như tim và phổi.
Khô mắt và miệng
Người mắc viêm khớp dạng thấp có nguy cơ cao phát triển hội chứng Sjogren, gây ra tình trạng khô mắt và miệng.
Nhiễm trùng
Hệ miễn dịch của người mắc viêm khớp dạng thấp bị suy yếu làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Những bệnh nhiễm trùng phổ biến có thể gặp bao gồm viêm phổi, cúm, shingles và COVID-19. Do đó, việc tiêm phòng là rất quan trọng để giảm nguy cơ mắc bệnh.
Thay đổi tỷ lệ mỡ trong cơ thể
Người mắc viêm khớp dạng thấp thường có tỷ lệ mỡ cao hơn so với khối lượng cơ, ngay cả khi chỉ số BMI bình thường. Điều này có thể dẫn đến tình trạng béo phì, làm tăng thêm gánh nặng cho các khớp và làm trầm trọng hơn các triệu chứng viêm khớp.
Hội chứng ống cổ tay
Viêm khớp ở cổ tay gây chèn ép dây thần kinh, dẫn đến đau và tê ở tay.
Vấn đề về tim
Viêm khớp dạng thấp làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, như xơ cứng và tắc nghẽn động mạch, cũng như viêm màng ngoài tim. Điều này có thể dẫn đến đau ngực, nhồi máu cơ tim hoặc suy tim.
Bệnh phổi
Người mắc bệnh có nguy cơ cao mắc các bệnh về phổi, bao gồm viêm và xơ hóa mô phổi, gây ra tình trạng khó thở dần dần. Các biến chứng này có thể làm giảm chất lượng cuộc sống và tăng nguy cơ tử vong.
U lympho
Viêm khớp dạng thấp tăng nguy cơ mắc u lympho, một nhóm ung thư máu trong hệ bạch huyết.
Phương pháp điều trị viêm khớp dạng thấp
Chẩn đoán
Bác sĩ sẽ thăm khám lâm sàng để phát hiện triệu chứng viêm khớp như đau, sưng và cứng khớp… Thường thì các triệu chứng xuất hiện đối xứng hai bên cơ thể. Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể cảm thấy mệt mỏi, yếu sức, hoặc có sốt nhẹ, kèm theo tình trạng đau và cứng khớp, đặc biệt vào buổi sáng hoặc sau khi ngồi lâu.
Một số xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh được sử dụng để chẩn đoán viêm khớp dạng thấp:
- Yếu tố dạng thấp (RF): Khoảng 80% bệnh nhân viêm khớp dạng thấp có kết quả dương tính với RF. Xét nghiệm này giúp bác sĩ xác định sự hiện diện của kháng thể trong máu.
- Kháng thể CCP: Khoảng 60-70% bệnh nhân có kháng thể chống lại CCP. Kết quả dương tính với CCP thường chỉ ra bệnh đang ở giai đoạn tiến triển.
- ESR và CRP: Xét nghiệm tốc độ máu lắng (ESR) và protein phản ứng C (CRP) là hai xét nghiệm phổ biến để đo mức độ viêm nhiễm trong cơ thể.
- X-quang: Phương pháp giúp phát hiện những tổn thương khớp sớm như tình trạng bào mòn xương, hẹp khe khớp.
- Siêu âm và MRI: Các phương pháp có thể giúp phát hiện những tổn thương nhỏ hơn và những thay đổi ban đầu trong khớp mà X-quang không nhìn thấy được. Đồng thời phương pháp cũng đánh giá mức độ viêm và bào mòn sụn.
Điều trị và phòng tránh
Thay đổi lối sống:
- Chế độ ăn uống: Bệnh nhân nên ăn uống lành mạnh với các thực phẩm giàu chất chống oxy hóa, omega-3, như cá hồi, rau xanh, hạt lanh, để giảm viêm khớp. Nên tránh các thực phẩm gây viêm như thực phẩm chế biến sẵn, nhiều đường hoặc dầu mỡ.
- Giảm căng thẳng: Bệnh nhân cần có các biện pháp giảm căng thẳng như thiền, yoga, hoặc các hoạt động giải trí nhẹ nhàng giúp tinh thần thoải mái hơn.
- Tập thể dục: Các bài tập nhẹ nhàng như bơi lội, đi bộ, yoga giúp duy trì sự linh hoạt của khớp mà không làm tăng áp lực lên khớp.
Sử dụng thuốc
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs)
Các loại thuốc như ibuprofen, naproxen giúp giảm đau nhưng cần cẩn trọng với tác dụng phụ với dạ dày.
- Corticosteroid
Các loại thuốc như prednisone giúp giảm nhanh viêm. Tuy nhiên không nên dùng lâu dài vì có thể gây loãng xương, tăng huyết áp và nhiều tác dụng phụ khác.
- Thuốc DMARDs (disease-modifying antirheumatic drugs)
Đây là nhóm thuốc đặc trị giúp ngăn ngừa bệnh tiến triển bằng cách ức chế hệ miễn dịch. Ví dụ: methotrexate, sulfasalazine, hydroxychloroquine. Những thuốc này thường được dùng kết hợp với thuốc khác để tối ưu hiệu quả.
- Thuốc sinh học (Biologics)
Nhóm thuốc sinh học như etanercept, infliximab, adalimumab giúp kiểm soát viêm và ngăn ngừa tổn thương khớp bằng cách ức chế các thành phần của hệ miễn dịch gây viêm. Thuốc sinh học có thể mang lại hiệu quả nhanh chóng trong vòng 2-6 tuần.
Vật lý trị liệu
Phương pháp giúp tăng cường cơ bắp quanh khớp, cải thiện sự linh hoạt và giảm áp lực lên khớp. Bác sĩ sẽ đề xuất các bài tập phù hợp với tình trạng bệnh và hướng dẫn thực hiện đúng.
Phẫu thuật
- Khi viêm khớp dạng thấp gây tổn thương nghiêm trọng, không thể cải thiện bằng các phương pháp điều trị khác, phẫu thuật có thể được chỉ định. Các phương pháp phẫu thuật bao gồm thay khớp, sửa chữa dây chằng, cắt bỏ màng hoạt dịch bị viêm.
- Thay khớp là phương pháp phổ biến để cải thiện chức năng, giảm đau cho bệnh nhân viêm khớp nặng.
Việc điều trị viêm khớp dạng thấp cần được theo dõi liên tục để điều chỉnh phác đồ điều trị, giảm thiểu biến chứng và đảm bảo bệnh nhân có chất lượng cuộc sống tốt nhất.
Câu hỏi có liên quan
Tại sao viêm khớp dạng thấp gây thiếu máu?
Viêm khớp dạng thấp có thể gây thiếu máu do quá trình viêm mãn tính. Từ đó giảm sản xuất tế bào hồng cầu trong tủy xương và ảnh hưởng đến việc tái tạo máu. Khi cơ thể bị viêm, các chất gây viêm như cytokine được giải phóng, cản trở quá trình sản xuất hồng cầu. Đồng thời, viêm khớp dạng thấp thường làm giảm khả năng hấp thụ sắt của cơ thể. Kết quả là người bệnh dễ bị thiếu máu, gây ra các triệu chứng như mệt mỏi, da xanh xao.
Viêm khớp dạng thấp có nên tập thể dục?
Người bị viêm khớp dạng thấp nên tập thể dục, nhưng cần lựa chọn các bài tập phù hợp. Tập thể dục giúp cải thiện độ linh hoạt của khớp và giảm cứng khớp. Các bài tập như đi bộ, bơi lội, yoga hay đạp xe đều được khuyến khích. Tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia vật lý trị liệu trước khi bắt đầu tập luyện.
Viêm khớp dạng thấp có nên uống sữa?
Người bị bệnh có thể uống sữa, nhưng cần chú ý đến phản ứng của cơ thể. Sữa là nguồn cung cấp canxi và vitamin D giúp hỗ trợ xương khớp khỏe mạnh. Một số người có thể dị ứng hoặc nhạy cảm với sữa, dẫn đến tình trạng viêm khớp nặng hơn. Nếu sữa không gây phản ứng tiêu cực, việc bổ sung vào chế độ ăn mang lại nhiều lợi ích. Tuy nhiên, nếu có triệu chứng bất thường, nên tham khảo ý kiến bác sĩ.
Viêm khớp dạng thấp nên ăn gì?
Người bệnh nên chú trọng vào chế độ dinh dưỡng giúp giảm viêm và hỗ trợ sức khỏe khớp. Các thực phẩm giàu omega-3 như cá hồi, cá thu, và các loại hạt giúp giảm viêm hiệu quả. Rau xanh và trái cây tươi cung cấp nhiều chất chống oxy hóa giúp bảo vệ cơ thể. Các loại ngũ cốc nguyên hạt, dầu ô-liu, và thực phẩm giàu canxi cũng hỗ trợ sức khỏe xương khớp. Tránh các thực phẩm chế biến sẵn, nhiều đường và chất béo bão hòa.
Với đội ngũ chuyên gia có chuyên môn cao, cùng việc áp dụng nhiều kỹ thuật tiên tiến trong điều trị, Viện Nghiên cứu Giảm đau Việt Nam đã thành công trong việc nghiên cứu và đưa ra hướng điều trị cho hàng triệu ca bệnh lý cột sống – cơ xương khớp.
Để được tư vấn các bệnh lý cột sống và cơ xương khớp tại Viện Nghiên cứu Giảm đau Việt Nam, quý khách vui lòng liên hệ theo số hotline: 0913.095.115 hoặc liên hệ trực tiếp TẠI ĐÂY.
Tư vấn chuyên môn bài viết
THS. BS CKII VÕ CHÂU DUYÊN